Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi lớn. Các tác động từ yếu tố bên ngoài như thu nhập tăng và dân số già, tạo ra thế hệ bệnh nhân/khách hàng mới với các yêu cầu cao hơn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này dẫn tới sự bùng nổ về số lượng các đơn vị hoạt động, cũng như những sản phẩm mang tới sự mới mẻ, chất lượng hơn.
Tổng quan thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam
Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16.1 tỷ đô (2017) lên 20 tỷ đô (2020). Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến 6.6 tỷ đô trong năm 2020.
Việt Nam có tốc độ tăng dân số lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Dự kiến sẽ tăng từ 10% dân số năm 2015 lên 44 triệu người vào năm 2020 (gần một nửa dân số) và 95 triệu người vào năm 2030. Thu nhập tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến việc tăng cường chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong y tế tư nhân. Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người dự kiến tăng 12,4% hàng năm. Điều này thể hiện một thị trường béo bở nhưng phần lớn chưa được khai thác, đặc biệt là ở các đô thị loại II và loại III ở Việt Nam.
Dân số già
Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển đổi từ dân số trẻ sang dân số già, so với 26 năm ở Trung Quốc. Gần 1 trong 4 người Việt Nam sẽ qua 65 tuổi vào năm 2050. Ba bệnh mãn tính hàng đầu bao gồm huyết áp cao, tiểu đường và ung thư. Số bệnh nhân đó chiếm lần lượt 25%, 7,4% và 2,33% tổng dân số Việt Nam.
Tuy nhiên hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tăng cao của người cao tuổi. Mặt khác, dân số già có thể gây trở ngại cho sự phát triển và áp dụng kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe. Trong tương lai, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số cần dễ dàng tiếp cận hơn cho người lớn tuổi.
Tỷ lệ tiếp cận kỹ thuật số cao
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ thâm nhập Internet của cả nước là 67%, với mức gia tăng 28% hàng năm. Hơn nữa, vùng phủ sóng 4G là 95% trên toàn quốc với các thí điểm 5G đang được triển khai. Sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tạo điều kiện cho sự phát triển của chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như sức khỏe di động (wearables, mobile health) và y tế từ xa (telemedicine).