Phẫu thuật cắt đoạn dạ dày do loét dạ dày tá tràng là một phẫu thuật lớn. Dạ dày được cắt bỏ một phần, được tái lập lại lưu thông với ruột non, không chỉ giải quyết được mục đích của phẫu thuật, mà còn để lại những biến chứng, di chứng lâu dài. Tuỳ theo vị trí, tính chất của ổ loét, kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà số biến chứng có nhiều hay ít. Một số biến chứng xảy ra nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây hiệu quả nghiêm trọng.
Một số biến chứng sớm thường gặp sau khi cắt đoạn dạ dày
• Chảy máu sau mổ: thường gặp 24 giờ đầu sau mổ
• Chảy máu vết mổ: Máu thấm băng có thể băng ép hoặc khâu tăng cường là có thể giải quyết được.
• Chảy máu miệng nối: Do một số nguyên nhân:
+ Cầm máu không kĩ hoặc do thắt buộc lúc mổ nghĩ là chặt (vì huyết áp thường hạ), sau về chảy lại.
+ Còn lại ổ loét ở phía dạ dày chưa được cắt.
+ Còn ổ loét của tá tràng để lại trong phẫu thuật không lấy được ổ loét tá tràng.
+ Những nguyên nhân bệnh sinh: dịch tuỵ tạng có khả năng gây ra và duy trì chảy máu (Dalannoy), dịch mật, dịch tá tràng tiếp xúc với diện khâu nối có thể tạo ra yếu tố không đông gây chảy máu (Reymond J.C).
+ Cách khâu miệng nối không hợp lý.
• Chảy máu trong ổ bụng:
+ Do tuột chỉ các mạch máu lớn.
+ Do tổn thương lách khi giải phóng bờ cong lớn, khi tì kéo van gây chấn thương, khi kết thúc cuộc mổ hút, lau ở hố lách làm tổn thương lách…
• Tắc miệng nối:
+ Do kỹ thuật khâu làm hẹp tắc quai đi hoặc quai tới.
+ Do xoắn vặn miệng nối khi kết thúc cuộc mổ mà không biết.
+ Do rối chức năng của thần kinh.
• Xì rò miệng nối:
+ Do kỹ thuật khâu nối, miệng nối không khép kín.
+ Thiếu máu cục bộ ở miệng nối do thắt mạch hoặc kỹ thuật khâu nối.
+ Tình trạng toàn thân không tốt, thiểu dưỡng, suy kiệt.
+ Nhiễm khuẩn nặng sau mổ: áp xe dưới cơ hoành…
